
Chi tiết tin
Ngày 23/3, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng Chính quyền số năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 bằng hình thức trực tuyến kết nối đến các huyện, thị, thành trong tỉnh. Tham dự tại điểm cầu chính có ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Võ Tấn Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ và ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
![]() |
Năm 2021, công tác CCHC và xây dựng Chính quyền số trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ hành chính của các ngành, các cấp trong tỉnh. Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực: Về cải cách thể chế, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 32 nghị quyết quy phạm pháp luật; các sở, ngành tỉnh đã trình UBND tỉnh ban hành 51 quyết định quy phạm pháp luật, tăng 22 quyết định so với cùng kỳ. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hoàn thành đề án rà soát, đề xuất phương án phân cấp giải quyết TTHC vượt chỉ tiêu so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với 662/3.128 TTHC, đạt tỷ lệ 21,16%. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông phát huy hiệu quả, giải quyết hồ sơ, TTHC cho cá nhân, tổ chức đạt tỷ lệ đúng hạn rất cao. Công tác cải cách TTHC đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, 100% được công bố, cập nhật, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia với 1.559 TTHC. Về thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, biên chế công chức giảm 259/2.263, tỷ lệ giảm 11,4% so với năm 2015; biên chế sự nghiệp giảm 2.723/27.221, tỷ lệ giảm 10% so với năm 2015. Về sắp xếp tinh gọn tổ chức, tỉnh giảm được 02 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thị xã Cai Lậy; giảm 07 phòng y tế cấp huyện; giảm 01 chi cục thuộc Sở Nội vụ. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện được kiện toàn theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh đã ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 04 Sở: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ. Về cải cách chế độ công vụ, công chức, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định, quy trình và thời gian; tổ chức thi tuyển công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên chính nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch. Về cải cách tài chính công, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 98% so với kế hoạch năm; số cơ quan hành chính đã được thực hiện chế độ tự chủ đạt tỷ lệ 100% (410/410 đơn vị); số đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên là 46 đơn vị, tăng 07 đơn vị so với năm 2020; số đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên còn 417 đơn vị, giảm 12 đơn vị so với năm 2020. Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, bằng việc thực hiện có hiệu quả chủ trương tạo đột phá trong chuyển đổi số nêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tính đến thời điểm ngày 26/4/2021, tỉnh đạt 0,5128 điểm, xếp thứ 3 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 16 của cả nước về “Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam”. Tỉnh đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng chuyển đổi số; hình thành được các dịch vụ nền tảng của Chính quyền số như: Tổng đài đa kênh 1022, ứng dụng di động TiengiangS, hệ thống phần mềm quản lý F0 cách ly tại nhà, phần mềm quản lý xét nghiệm, bản đồ Covid,… Các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến được tăng cường đã kịp thời hỗ trợ, phục vụ người dân; đặc biệt là thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã hỗ trợ, giải quyết thủ tục cho hàng nghìn lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Qua tổng kết chuyên đề thi đua "Đẩy mạnh CCHC" năm 2021, có 07/35 cơ quan, đơn vị, địa phương tăng tổng điểm chỉ số CCHC so với năm 2020, nhưng có đến 28/35 cơ quan, đơn vị, địa phương giảm điểm. Giá trị trung bình điểm chỉ số CCHC của 24 đơn vị cấp tỉnh, bao gồm cả ngành dọc đạt 96,2 điểm, thấp hơn 1,3 điểm so với năm 2020; của 11 đơn vị cấp huyện là 91,6 điểm, thấp hơn 07 điểm so với năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI; trong đó, công tác CCHC được xác định là một trong 03 khâu đột phá nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực: CCHC, cải cách TTHC, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh Chính quyền số. Trong bối cảnh phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn nhằm thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh đã mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số.
Để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra tại Kế hoạch số 397/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu:
Một là, về công tác chỉ đạo, điều hành, với quyết tâm đột phá trong CCHC, Chính quyền số của tỉnh. UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 09-NQ/TU về đẩy mạnh CCHC, nâng cao các chỉ số CCHC, giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết nêu trên, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực được xác định là khâu đột phá: Cải cách chế độ công vụ, cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tích cực gắn CCHC với chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Hai là, về cải cách thể chế, các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản phục vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành bảo đảm đúng quy trình, kịp thời, hợp pháp, hợp lý và có tính khả thi. Sở Tư pháp, UBND cấp huyện rà soát các văn bản đã ban hành, đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực và đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp, hết hiệu lực; tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đảm bảo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Ba là, về cải cách TTHC, các ngành, các cấp phải lưu ý, hạn chế đến mức thấp nhất việc trễ hẹn, nhất là cấp huyện, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai. Trường hợp trễ hẹn phải có văn bản xin lỗi, nêu rõ lý do để tránh gây phiền hà cho người dân.
Bốn là, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị gắn với tinh giản biên chế, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đúng vị trí việc làm. Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị; đẩy nhanh tiến độ trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan.
Năm là, về cải cách chế độ công vụ, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, đảm bảo thực học và có chất lượng, trong đó chú trọng đến đội ngũ làm công tác CCHC đảm bảo đủ trình độ và năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc đề xuất, lựa chọn nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp với chức danh quy hoạch, yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chất lượng hiệu quả sử dụng sau đào tạo, bồi dưỡng.
Sáu là, về cải cách tài chính công, tăng cường các biện pháp quản lý và đảm bảo nguồn thu, chi ngân sách Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp công lập khẩn trương triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập khi các thông tư được Bộ, ngành Trung ương ban hành và có hiệu lực thi hành.
Bảy là, về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, bám sát đề án Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt; trong đó, phân công rõ từng công việc gắn với trách nhiệm từng cá nhân, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của người dân và doanh nghiệp. Khẩn trương thực hiện tích hợp, đồng bộ 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện nâng lên mức độ 3, mức độ 4; triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán trực tuyến và hóa đơn điện tử trong thực hiện TTHC…
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua cho 02 tập thể và 19 tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề thi đua "Đẩy mạnh CCHC" năm 2021.
Trần Thi