
Chi tiết tin
Ngày 12/5/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện và cấp xã triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ngày 12/5/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện và cấp xã triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
![]() |
Tại điểm cầu cấp tỉnh, chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Tiền Giang. Cùng dự có ông Nguyễn Văn Mười, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; ông Trần Thanh Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; cùng lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…
Theo mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 08/12/2021 về CĐS tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đề ra lộ trình cho việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội, xây dựng đô thị thông minh; tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và sự hài lòng của người dân. Đến năm 2030, thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Phát triển chính quyền số theo hướng tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái CĐS tỉnh Tiền Giang.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ; xác định, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trong quá trình CĐS nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Trong đó, các nhóm giải pháp trọng tâm được xác định là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CĐS. Xây dựng Chính quyền số, hình thành đô thị thông minh. Phát triển kinh tế số. Phát triển xã hội số. Ưu tiên CĐS trong một số ngành, lĩnh vực, như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông, công nghiệp, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa, du lịch.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: CĐS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện tại từng cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để triển khai tốt việc xây dựng Chính quyền số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các nội dung, như: Tổ chức phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh. Quán triệt khai thác có hiệu quả các hệ thống thông tin/phần mềm của Chính quyền điện tử đã được triển khai và đưa vào sử dụng: Hệ thống trả lời phản ánh, kiến nghị qua Tổng đài đa kênh 1022; ứng dụng di động app TienGiangS; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng dịch vụ công, hệ thống Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần; hệ thống thư điện tử công vụ; cổng dịch vụ công, phần mềm quản lý văn bản và điều hành... Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng các dịch vụ công trực truyến mức độ cao (mức độ 3, 4). Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, ứng dụng có hiệu quả các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: Nền tảng tiêm chủng Covid-19; Hệ thống phần mềm hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra - vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR-Code; Tổng đài tư vấn F0 tại nhà,… Thực hiện nghiêm túc việc cập nhật dữ liệu vào phần mềm Quản lý F0 để có số liệu phục vụ cho việc tư vấn F0 tại nhà…
Giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về kế hoạch và kết quả thực hiện CĐS của tỉnh trên báo chí và phương tiện truyền thông của tỉnh. Tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị. Tổ chức các khóa học, trao đổi về CĐS với doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình CĐS…
Trần Thi